1. Sự cần thiết phải xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận CDIO
Xã hội và thị trường lao động quốc tế đang đòi hỏi năng lực ngày càng cao đối với sinh viên kỹ thuật sau khi tốt nghiệp. Các kỹ sư không chỉ cần có kiến thức nền tảng về khoa học và chuyên môn vững chắc mà cần phải tăng cường các kỹ năng cá nhân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghề nghiệp, có ý thức trách nhiệm xã hội và đặc biệt phải có năng lực hình thành Ý tưởng (Concieve - C), Thiết kế (Design - D), Triển khai (Implement- I) và Vận hành (Operate - O) các sản phẩm, quy trình, hệ thống có tính phức hợp, có giá trị gia tăng trong môi trường hiện đại, hội nhập dựa trên cách thức làm việc nhóm.
Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (ĐHXDHN) đã xác định rõ và từng bước thực hiện kế hoạch tổng thể nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, với nỗ lực không ngừng, Trường ĐHXDHN đã trở thành một trong bốn trường đại học đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế (HCERES). Từ năm 2016, Trường ĐHXDHN là trường đại học đầu tiên trong khối kỹ thuật đi tiên phong trong việc xây dựng các chương trình đào tạo (CTĐT) tiếp cận CDIO. CTĐT tiếp cận CDIO hướng tới mục tiêu giáo dục cho người học phát triển một cách toàn diện về kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp để đảm bảo năng lực làm việc và khả năng thích ứng với môi trường chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập và thường xuyên thay đổi.
Phương pháp tiếp cận CDIO là một hệ thống giải pháp xây dựng CTĐT nhằm thu hẹp khoảng cách giữa sản phẩm đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động. Được đề xướng từ năm 1997 bởi Học viện công nghệ Massachusettes (MIT), Mỹ, đến nay đã có trên 150 trường đại học lớn trên khắp thế giới áp dụng phương pháp tiếp cận CDIO để xây dựng các chương trình đào tạo, ví dụ như: Đại học Stanford, Đại học Arizona State, Đại học California State của Mỹ; Đại học Curtin, Đại học Công nghệ Queensland, Viện Công nghệ Royal Melbourne - RMIT, Đại học Sydney, Đại học Duke ở Úc; Đại học Nanyang Polytechnic ở Singapore; Đại học Thanh Hoa, Đại học Giao thông Bắc Kinh ở Trung Quốc...
Với sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế từ Hiệp hội CDIO Châu Á, Đại học Nanyang Polytechnic Singapore và các chuyên gia CDIO trong nước, đến nay Trường ĐHXDHN đã hoàn thành CTĐT tiếp cận CDIO của nhiều ngành/ chuyên ngành đào tạo.
2. Đặc điểm của chương trình đào tạo tiếp cận CDIO tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
Các CTĐT tiếp cận CDIO tại Trường ĐHXDHN được xây dựng dựa trên chuẩn đầu ra (CĐR) về kiến thức, kỹ năng và thái độ theo yêu cầu của xã hội. CĐR cho mỗi CTĐT được Nhà trường xác định rõ ràng, khách quan thông qua phỏng vấn ý kiến của các bên liên quan gồm giảng viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng lao động, các cơ quan quản lý và các chuyên gia kỹ thuật.
Các CTĐT tiếp cận CDIO được xây dựng bao gồm các học phần tiên tiến, định hướng tập trung vào kiến thức nền tảng và các kỹ năng thực hành, được tổ chức đan xen chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau; Được tích hợp các kỹ năng cá nhân, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng kiến tạo sản phẩm trong một kế hoạch rõ ràng, có tính hệ thống. Chương trình học phong phú các trải nghiệm thực hành về hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành sản phẩm, quy trình, hệ thống thông qua học phần Giới thiệu ngành, các đồ án và bài tập lớn xuyên suốt CTĐT.
Học phần Giới thiệu ngành là một đặc trưng của CTĐT tiếp cận CDIO và được bố trí ngay từ học kỳ 1 để cung cấp kiến thức nhập môn về ngành, nghề và nhiệm vụ của người kỹ sư cũng như năng lực cần thiết để thực hiện các công việc, giúp sinh viên có cái nhìn tổng quát về thực hành kỹ thuật và vai trò của cử nhân kỹ thuật, kỹ sư/ kiến trúc sư. Học phần Giới thiệu ngành sẽ góp phần thúc đẩy sự hứng khởi, đam mê và cũng như củng cố động lực của sinh viên trong việc lựa chọn ngành, nghề mà mình theo học.
Các CTĐT được áp dụng phương pháp sư phạm hiện đại, tiên tiến tập trung vào dạy học trải nghiệm thực hành và tích hợp kiến thức, kỹ năng và thái độ. CTĐT đã được thiết kế để hỗ trợ và khuyến khích tối đa phương pháp học chủ động, học trải nghiệm và học tích hợp của sinh viên. Phương pháp dạy và học sẽ được cải thiện liên tục thông qua quá trình đánh giá chất lượng chặt chẽ.
Môi trường dạy và học tại Trường ĐHXDHN được trang bị hiện đại, có tính hợp tác để hỗ trợ và khuyến khích việc dạy và học tập trải nghiệm thực hành C, D, I, O.
Việc đánh giá học tập - kiểm định - cải tiến CTĐT được Nhà trường xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, sẽ được tiến hành liên tục có tính khoa học và hệ thống, hướng tới đạt các chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế như ABET, NAAB của Mỹ và CACB của Canada…
3. Những lợi ích khi tham gia học chương trình đào tạo tiếp cận CDIO tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
Các CTĐT tiếp cận CDIO tại Trường ĐHXDHN sẽ trang bị cho sinh viên đồng thời cả về kiến thức, kỹ năng chuyên môn và giao tiếp, phẩm chất và thái độ cá nhân để đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện nay. Sinh viên sẽ không chỉ có kiến thức nền tảng vững chắc về khoa học, các nguyên lý kỹ thuật và năng lực phân tích mà cũng có kiến thức cơ bản về quy trình kinh doanh, quản lý kinh tế kỹ thuật. Sinh viên được nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ được phát triển tối đa năng lực hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai và vận hành các sản phẩm, quy trình, hệ thống kỹ thuật phức tạp. Sinh viên sẽ được đào tạo kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo và phát minh tiên tiến để có thể trở thành những cử nhân kỹ thuật, kỹ sư/kiến trúc sư trong môi trường làm việc quốc tế.
Cuối cùng, sinh viên học các CTĐT tiếp cận CDIO tại Trường ĐHXDHN sẽ được tham gia các khóa học trải nghiệm, từ đó giúp nuôi dưỡng, phát huy cao nhất sự hứng khởi, niềm đam mê chuyên môn của mình.