Ngành - Chuyên ngành tuyển sinh Đại học

Ngành Kiến trúc

NGÀNH KIẾN TRÚC

(7580101)

1. Giới thiệu ngành/chuyên ngành, thời gian đào tạo, cấp bằng

1.1. Giới thiệu ngành: 

Với bề dày lịch sử trên nửa thế kỷ đào tạo cùng với lịch sử Trường Đại học Xây dựng Hà Nội - cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn kiểm định quốc tế, KIẾN TRÚC được xem như một trong những ngành chủ lực làm nên thương hiệu Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng để trở thành địa chỉ đào tạo Kiến trúc sư hàng đầu trong cả nước.

Nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, chương trình đào tạo KIẾN TRÚC SƯ sẽ được tổ chức theo hai mô hình chính:

  • Mô hình đào tạo TÍCH HỢP Cử nhân Kiến trúc - Kiến trúc sư/Thạc sĩ Kiến trúc cho cùng một ngành, cấp bằng Cử nhân Kiến trúc và Kiến trúc sư/Thạc sĩ Kiến trúc cho người tốt nghiệp (chương trình toàn khoá được thiết kế cho thời gian đào tạo 5-5,5 năm)
  • Mô hình đào tạo TUẦN TỰ 2 giai đoạn, tương ứng với hai trình độ Cử nhân Kiến trúc và Kiến trúc sư/Thạc sĩ Kiến trúc cho cùng ngành đào tạo hoặc các ngành gần, cấp bằng Cử nhân Kiến trúc và Kiến trúc sư/Thạc sĩ Kiến trúc sau khi kết thúc từng giai đoạn.

Nội dung chương trình được xây dựng hoàn toàn mới theo yêu cầu và chuẩn đầu ra về đào tạo Kiến trúc sư của ỦY BAN KIỂM ĐỊNH KIẾN TRÚC QUỐC GIA HOA KỲ (NAAB), cập nhật các xu hướng đào tạo kiến trúc quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển mới của xã hội trong thời đại Công nghiệp 4.0. Ngoài ra, việc giảng dạy được thực hiện theo phương pháp tiếp cận CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate), có nghĩa là: hình thành ý tưởng - thiết kế - thực hiện - vận hành, là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo.

Sau khi tốt nghiệp, Kiến trúc sư được đào tạo có thể làm chủ các nguyên tắc, khái niệm, phương pháp trong kiến ​​trúc, hiểu các vấn đề liên quan đến thực hành chuyên môn và đặc biệt, có khả năng hội nhập quốc tế cao trong việc phát triển trình độ, năng lực hành nghề chuyên môn, có trách nhiệm, cung cấp các giải pháp sáng tạo và liên quan đến các vấn đề kiến ​​trúc phức tạp, phát triển kỹ năng trong suốt cuộc đời nghề nghiệp và đáp ứng những nhu cầu thay đổi của xã hội.

1.2. Thời gian đào tạo và cấp bằng

- Cử nhân (3,5 ÷ 4 năm)

- Kiến trúc sư (bậc 7 tương đương trình độ thạc sĩ: 5 năm)

2. Giới thiệu khung chương trình đào tạo

Khung chương trình đào tạo được xây dựng theo Chuẩn đào tạo Kiến trúc sư của ỦY BAN KIỂM ĐỊNH KIẾN TRÚC QUỐC GIA HOA KỲ (NAAB) - một trong 7 chuẩn đào tạo Kiến trúc sư quốc tế được công nhận trên toàn thế giới hiện nay, bao gồm các nhóm môn học theo quy định như:

  • Nhóm các môn học về GIÁO DỤC ĐẠI CƯƠNG như kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp), khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và nghệ thuật, suy luận định lượng... trang bị những kiến thức cơ sở và nền tảng phục vụ cho chuyên ngành (đối với các lớp Anh ngữ (KDE) và Pháp ngữ (KDF), sinh viên được tăng cường các môn học NGOẠI NGỮ nhằm nâng cao khả năng giao tiếp và đọc hiểu chuyên ngành).
  • Nhóm các môn học về LỊCH SỬ - LÝ THUYẾT KIẾN TRÚC và HÀNH VI CON NGƯỜI cung cấp những hiểu biết về diễn tiến phát triển nghệ thuật, kiến trúc và đô thị của loài người cũng như ở Việt Nam gắn với các nền văn minh, văn hóa cùng những thói quen tổ chức không gian kiến trúc, đô thị của con người.
  • Nhóm các môn học về THIẾT KẾ KIẾN TRÚC được xem là xương sống của chương trình đào tạo, với các lý thuyết thiết kế và thực hành dưới dạng các đồ án kiến trúc được thực hiện theo xưởng để sinh viên có thể phát triển ý tưởng và thiết kế giả lập công trình thực tế.
  • Nhóm các môn học về XÂY DỰNG và KỸ THUẬT CÔNG TRÌNH bao gồm hệ thống kết cấu, hệ thống điều tiết điều kiện môi trường bên trong công trình, cấu tạo kiến trúc và phối hợp vật liệu xây dựng.
  • Nhóm các môn học về THỰC HÀNH NGHỀ NGHIỆP giúp sinh viên hiểu rõ vai trò, trách nhiệm nghề nghiệp của mình, cũng như định hình được hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai sau khi ra trường.
  • Nhóm các môn học TỰ CHỌN khác mà sinh viên có thể tự lựa chọn theo sở thích, mong muốn và định hướng nghề nghiệp của mình.

3. Cơ hội học bổng và hỗ trợ học tập

  • Học tập tại trường với các giảng viên nhiệt tình, năng động, được đào tạo tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới, đạt nhiều giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế
  • Học tập với sự hỗ trợ của AUF (Tổ chức Đại học Pháp ngữ) thông qua nguồn học bổng tại các nước nói tiếng Pháp (Pháp, Canada, Bỉ...) (dành cho sinh viên lớp Pháp ngữ KDF)
  • Học tập tại các doanh nghiệp thông qua thực tập và thực hành nghề nghiệp
  • Học tập từ các cuộc thi, workshop, xưởng thiết kế, giải thưởng kiến trúc...
  • Học tập từ các chuyến đi tham quan Xuyên Việt, giao lưu với SV các trường khác trong, ngoài nước (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Trung Quốc...) (đối với các sinh viên có trình độ ngoại ngữ đạt yêu cầu của trường đối tác)
  • Học tập từ các học kỳ trao đổi SV quốc tế (Pháp, Canada, Đức, Tây Ban Nha, Italia...)
  • Học tập với các cơ hội chuyển tiếp sau đại học trong nước và ngoài nước, du học tại các trường đối tác nước ngoài của Trường Đại học Xây dựng (đối với các sinh viên có trình độ ngoại ngữ, điểm học tập và các yêu cầu khác đạt tiêu chuẩn của trường đối tác)

4. Cơ hội học tập sau tốt nghiệp:

  • Tiếp cận nghề nghiệp sớm ngay từ khi đang đi học (thực tập có trả lương), có thể tự thiết kế và hỗ trợ thiết kế các công trình đơn giản (có thiết kế phí)
  • Đáp ứng linh hoạt nhiều vị trí công việc hành nghề khác nhau (thiết kế, giám sát, thi công, quản lý...) trong các chuyên ngành kiến trúc và xây dựng (nội thất, cảnh quan, đô thị...)
  • Hoạt động nghề nghiệp đa năng như giảng dạy và nghiên cứu, điều phối và chủ trì, quản trị và quản lý toàn diện công tác thiết kế và xây dựng
  • Môi trường, cơ hội việc làm đa dạng (cơ quan nhà nước, doang nghiệp tư nhân, liên doanh nước ngoài...) và tự do (hoạt động cá nhân, tự thành lập doanh nghiệp...)
  • Thu nhập khá và ổn định (khởi điểm ≥ 8 triệu VNĐ/tháng), đảm bảo cuộc sống (theo thống kê về thu nhập bình quân của Kiến trúc sư sử dụng thành thạo BIM tại Việt Nam và thế giới: thu nhập khởi điểm khoảng 12 triệu đồng/tháng đối với doanh nghiệp Việt Nam, 800-1.000 USD/tháng đối với doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, khoảng 3.600 USD/tháng đối với doanh nghiệp ở nước ngoài)
  • Tiếp tục học tập, có thể hành nghề và định cư ở nước ngoài

5. Thông tin liên hệ: 

     - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch  

        Phòng 116 - 117 nhà A1, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

        Điện thoại: (024) 3869 1973

        Website: ktqh.huce.edu.vn

        Email: ktqh@huce.edu.vn

     - TS. KTS Trần Minh Tùng – Trưởng Bộ môn Kiến trúc Dân dụng

        Điện thoại di động: 0933 264 426

        Email: tungtm@huce.edu.vn

        Fanpage: Ngành KIẾN TRÚC Trường ĐẠI HỌC XÂY DỰNG HÀ NỘI 

 

            

Một số hình ảnh nhận giải thưởng kiến trúc và học tập tham quan kiến trúc của sinh viên