Ngành - Chuyên ngành tuyển sinh Đại học

Ngành Kinh tế Xây dựng

NGÀNH KINH TẾ XÂY DỰNG

(7580301)

1. Giới thiệu ngành đào tạo, thời gian đào tạo, cấp bằng

1.1. Giới thiệu ngành

- Kinh tế xây dựng là ngành kết hợp giữa lĩnh vực kinh tế và quản lý xây dựng với những công việc cụ thể như tài chính, kế toán, thống kê; công tác lập và thẩm định dự án đầu tư các công trình xây dựng; lập, thẩm tra và thẩm định dự toán, thanh quyết toán xây dựng công trình; định giá và quản lý chi phí. Ngành Kinh tế xây dựng là ngành đào tạo truyền thống có bề dầy hơn 50 năm đào tạo của Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng. Đây là một trong những ngành đào tạo luôn luôn được ưu tiên lựa chọn của thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

- Mục tiêu đào tạo: Đào tạo Kỹ sư Kinh tế Xây dựng có phẩm chất đạo đức tốt; có kiến thức khoa học vững vàng trong lĩnh vực Kinh tế và Quản lý đô thị; có kỹ năng chuyên môn, năng lực thực hành chuyên nghiệp và phẩm chất cá nhân cần thiết, đủ khả năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề chuyên môn và nghiên cứu một cách độc lập, sáng tạo; có kỹ năng thu nhận, xử lý và truyền đạt thông tin; có kỹ năng giao tiếp xã hội cần thiết để làm việc hiệu quả trong nhóm ngành, đa ngành và trong môi trường quốc tế; có khả năng ứng dụng tin học và ngoại ngữ trong hoạt động chuyên môn.

- Ngành Kinh tế xây dựng phù hợp với các bạn yêu thích khoa học về kỹ thuật và quản lý. Các kiến thức về kỹ thuật, công nghệ xây dựng và quản lý kinh tế là điểm nổi trội của ngành Kinh tế xây dựng mà không ngành kỹ thuật xây dựng nào có được. Bên cạnh đó, khả năng tư duy logic, tư duy phán đoán, kỹ năng phân tích, tổng hợp cùng với kỹ năng giao tiếp và đam mê tìm hiểu tin tức, kinh tế xã hội được coi là một lợi thế khi theo đuổi chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế và quản lý xây dựng.

1.2. Thời gian đào tạo và cấp bằng

- Cử nhân (3,5 ÷ 4 năm)

- Kỹ sư (bậc 7 tương đương trình độ thạc sĩ: 5 năm)

2. Kiến thức, kỹ năng đạt được sau khi tốt nghiệp: Sinh viên ngành Kinh tế Xây dựng sau khi tốt nghiệp có thể:

- Làm quản lý xây dựng ở các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng từ cấp Trung ương như ở các bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc nhà nước, Ngân hàng phát triển, các cơ quan quản lý đầu tư xây dựng ở các bộ khác đến các cấp địa phương: cấp tỉnh, cấp quận, huyện, như Sở Xây dựng, Sở kiến trúc Quy hoạch, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các phòng quản lý xây dựng và tài chính của các quận, huyện.

- Làm nghiên cứu ở các viện nghiên cứu về kinh tế và quản lý xây dựng

- Làm quản lý doanh nghiệp, đấu thầu và quản lý công trường ở các doanh nghiệp xây dựng, các công ty đầu tư kinh doanh bất động sản

- Làm tư vấn lập và phân tích dự án đầu tư, lập và thẩm tra dự toán, cung cấp dịch vụ tư vấn đấu thầu ở các công ty tư vấn đầu tư xây dựng

- Làm thẩm định dự án tại các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm

- Làm quản lý dự án tại các ban quản lý dự án và các chủ đầu tư xây dựng công trình.

- Làm công tác giảng dạy tại các cơ sở đào tạo

3. Cơ hội học bổng và hỗ trợ học tập

Ngoài học bổng khuyến khích học tập thường kỳ của Nhà trường, sinh viên còn có cơ hội nhận được các học bổng của khoa cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vượt khó và có kết quả học tập và rèn luyện tốt; Học bổng Vietinbank (3 triệu đồng/suất), Học bổng FLC, Học bổng Lê Mộng Đào (5 triệu đồng/suất), Học bổng Đỗ Quốc Sam (5 triệu đồng/suất), Học bổng CSC (5000 USD cho người cao nhất, 12 suất với 5 triệu đồng/suất) ngoài ra còn có các học bổng do các doanh nghiệp khác tài trợ,..

4. Cơ hội việc làm

Theo thống kê chuyên ngành, hơn 95% sinh viên ngành Kinh tế xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội ra trường có việc làm ngay trong vòng 6 tháng đầu, trong số đó có hơn 80% sinh viên làm việc liên quan đến ngành nghề đào tạo với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng, 11% sinh viên ra trường có mức thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Đồng thời, theo Báo Lao động, ngành Kinh tế xây dựng lọt Top 10 trong 12 ngành thu hút nhất mọi thời kỳ, với thu nhập bình quân sau khi ra trường trong vòng 5 năm là 35 triệu đồng/tháng.

5. Cơ hội học tập bậc sau đại học

Sinh viên ngành Kinh tế xây dựng dễ dàng học bằng đại học thứ hai ở nhiều ngành khác trong Trường Đại học Xây dựng Hà Nội do được miễn nhiều môn học trong chương trình đào tạo. Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể theo học các chương trình cao học tại Trường để lấy bằng thạc sỹ Quản lý Xây dựng - Chuyên ngành Kinh tế Xây dựng, thạc sỹ Quản lý Xây dựng - Chuyên ngành Quản lý dự án xây dựng, thạc sỹ Quản lý Xây dựng - Chuyên ngành Quản lý Đô thị.

6. Liên hệ: Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng

                   Địa chỉ: Phòng 318-319 nhà A1, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

                   Điện thoại: (024) 3869 1829,    Fax: 04.3628.4423

                   Email: contact@kinhtexaydung.edu.vn

                   Facebook fanpage: https://www.facebook.com/cem.nuce/

Hoặc liên hệ trực tiếp với: PGS.TS Nguyễn Quốc Toản

                                               Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng

                                               Điện thoại di động: 0913 213 513