NGÀNH QUẢN LÝ XÂY DỰNG/
CHUYÊN NGÀNH KINH TẾ VÀ QUẢN LÝ ĐÔ THỊ
Mã tuyển sinh: 7580302_01
1. Giới thiệu chuyên ngành đào tạo, thời gian đào tạo, cấp bằng
1.1. Giới thiệu chuyên ngành:
Trong hơn 30 năm đổi mới và phát triển vừa qua, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, số lượng đô thị tăng từ 629 đô thị vào năm 1999 lên tới 819 đô thị vào năm 2018, tỷ lệ đô thị hóa năm 2019 dự kiến đạt 40%, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ từ khu vực đô thị chiếm tỷ trọng chi phối trong tổng GDP. Cũng chính sự phát triển của hệ thống hạ tầng đô thị đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ an sinh xã hội, đã góp phần cho sự hội nhập có hiệu quả, sâu và rộng của Việt Nam trong các diễn đàn kinh tế nói riêng và thế giới nói chung.
Tuy nhiên thực tế phát triển cho thấy, Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn mang tính căn bản của quá trình đô thị hóa, đặc biệt là năng lực cán bộ quản lý đô thị còn thiếu và yếu, nguồn lực phân bổ để triển khai đầu tư xây dựng đô thị nhiều nơi còn chưa hợp lý. Chính từ nhu cầu thực tiễn đó, năm 2001, chuyên ngành Kinh tế và quản lý đô thị thuộc ngành Quản lý Xây dựng, Đại học xây dựng ra đời với mục tiêu cung ứng các kỹ sư vừa am hiểu kỹ thuật - kinh tế, vừa có năng lực quản lý, đặc biệt là về mảng xây dựng và đô thị.
1.2. Thời gian đào tạo và cấp bằng:
Người tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư tương đương trình độ bậc 7 theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam với thời gian đào tạo thiết kế là 5 năm.
2. Kiến thức, kỹ năng đạt được sau khi tốt nghiệp
Với phương châm học đúng chuẩn Quy - đê (QĐ), chơi đúng chuẩn Ét - vê (SV), sau 4,5 năm rèn luyện và học tập dưới mái Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, được trang bị kiến thức chuyên sâu cả về kinh tế xây dựng, quản lý xây dựng và quản lý đô thị như: lập, thẩm tra và thẩm định dự toán, thanh quyết toán xây dựng công trình đô thị; lập, thẩm tra và thẩm định hồ sơ mời thầu, đấu thầu trong xây dựng đô thị; lập kế hoạch chiến lược sản xuất kinh doanh; xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ đô thị; định giá và quản lý chi phí trong xây dựng đô thị; tổ chức công trường và chỉ đạo thị công xây dựng công trình đô thị; quản lý đô thị…. Ngoài các kiến thức, kỹ năng mang tính truyền thống của một kỹ sư kinh tế, sinh viên chuyên ngành Kinh tế và quản lý đô thị còn được trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng rất mạnh về mảng quản lý, giúp kỹ sư sau khi ra trường không chỉ làm tốt công việc chuyên môn, kỹ thuật mà còn có năng lực điều phối, quản lý, quan hệ, lãnh đạo, kết nối. Điều này có thể xem là sự bổ sung hoàn hảo cho hình mẫu kỹ sư xây dựng trước nay chỉ biết tới bê tông, thép, gạch, chạy dự toán, bóc khối lượng, điền hồ sơ, ...
3. Cơ hội học bổng và hỗ trợ học tập
- Có nhiều cợ hội dành các loại học bổng hỗ trợ học tập của Trường, Khoa và các doanh nghiệp; có cơ hội tham gia vào các câu lạc bộ, hoạt động học tập, ngoại khóa. Sinh viên của chuyên ngành kinh tế và quản lý đô thị có kết quả học tập đáng ngưỡng mộ với 1,9% tốt nghiệp loại xuất sắc, 5,6% loại giỏi và 55,6% loại khá, trong đó có 80% hài lòng với chương trình đào tạo của trường;
- Ngoài học bổng khuyến khích học tập truyền thống thường kỳ với số lượng rất lớn của Nhà trường, còn có học bổng của Khoa cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vượt khó có kết quả học tập và rèn luyện tốt; học bổng Viettinbank (3 triệu/suất), FLC, Lê Mộng Đào (5 triệu/suất), Đỗ Quốc Sam (5 triệu/suất), CSC (5000USD cho người cao nhất, 12 suất Nhì 5 triệu/suất). Các doanh nghiệp khác cũng tài trợ liên tục cho các hoạt động khuyến học.
4. Cơ hội việc làm:
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở đối với kỹ sư chuyên ngành kinh tế và quản lý đô thị tại các vị trí:
- Quản lý nhà nước trong xây dựng đô thị;
- Xây dựng định mức, đơn giá các dịch vụ đô thị, công trình đô thị;
- Lập, phân tích dự án đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật, hạ tầng đô thị;
- Quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật, hạ tầng đô thị;
- Chỉ đạo, triển khai thi công xây dựng công trình trong đô thị.
5. Cơ hội học tập bậc sau đại học
Theo khảo sát của chuyên ngành, 90.5% sinh viên chuyên ngành kinh tế và quản lý đô thị có việc làm sau khi ra trường với mức thu nhập trung bình từ 5.000.000 - 15.000.000 đồng/tháng, số sinh viên còn lại phần đông tiếp tục theo đuổi con đường học vấn sau đại học tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội hoặc tại các cơ sở đào tạo quốc tế.
6. Liên hệ Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng
- Hotline:
0913 213 513 (PGS.TS. Nguyễn Quốc Toản - Phó Trưởng khoa)
- Email:
- Fanpage:
https://www.facebook.com/cem.nuce/
- Văn phòng:
Phòng 318, 319 - Nhà A1 - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội