NGÀNH KỸ THUẬT VẬT LIỆU
Mã tuyển sinh: 7520309
1. Giới thiệu chuyên ngành đào tạo, thời gian đào tạo, cấp bằng
1.1. Giới thiệu ngành:
Ngành Kỹ thuật Vật liệu thuộc Khoa Vật liệu Xây dựng, chương trình được thiết kế với các môn học có tính tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật vật liệu được trang bị đủ những kiến thức cơ bản và cơ sở khoa học của ngành Kỹ thuật Vật liệu để có thể hiểu biết nền tảng chung các nhóm vật liệu chính như: Ceramic, Polyme-Compozit, Vô cơ và các vật liệu tiên tiến như: vật liệu nano, vật liệu màng mỏng - hướng tới vận dụng và phát triển các công nghệ chế tạo vật liệu phù hợp với cấu trúc và tính chất.
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật vật liệu được xây dựng theo phương thức tiếp cận CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate), trong đó chú trọng giáo dục kiến thức nền tảng tự nhiên và kỹ thuật vững chắc để người học phát triển từ hình thành, thiết kế, triển khai và vận hành ý tưởng. Bên cạnh kiến thức, chương trình đào tạo cũng chú trọng phát triển toàn diện các kỹ năng cá nhân và nghề nghiệp như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, ... Các môn học được thiết kế giúp sinh viên có cơ hội học tập trải nghiệm và học tập chủ động, giúp phát triển khả năng tự tìm tòi, học tập và phát triển bản thân, và khả năng thích nghi nhanh với mọi sự thay đổi của thị trường lao động hiện đại và năng động. Ngoài ra, ngành Kỹ thuật vật liệu đào tạo người học có năng lực quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng tại các cơ sở sản xuất, các nhà máy, công ty hoạt động liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật vật liệu; có khả năng tư vấn, đề xuất, chủ trì, triển khai các dự án về kỹ thuật vật liệu, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế của đất nước.
1.2. Thời gian đào tạo và cấp bằng:
Người tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư tương đương trình độ bậc 7 theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam với thời gian đào tạo thiết kế là 5 năm.
2. Kiến thức và kỹ năng đạt được sau khi tốt nghiệp
- Ứng dụng các kiến thức kiến thức cơ bản và chuyên sâu về Kỹ thuật Vật liệu, các giải pháp kỹ thuật và quản lý, các kỹ năng nghề nghiệp để giải quyết các vấn đề về nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng các loại vật liệu;
- Có năng lực hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai, vận hành các quá trình, công nghệ, hệ thống kỹ thuật phức tạp trong lĩnh vực kỹ thuật vật liệu như chế tạo các vật liệu mới; phân tích các yêu cầu và đặc tính kỹ thuật của vật liệu; nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới vật liệu và ứng dụng vật liệu;
- Có kỹ năng cá nhân, nghề nghiệp, giao tiếp, làm việc nhóm, trình độ ngoại ngữ, có khả năng viết và giao tiếp chuyên nghiệp; có năng lực sáng tạo và phát minh tiên tiến đảm bảo làm việc hiệu quả trong bối cảnh xã hội năng động, môi trường làm việc liên ngành, đa văn hóa, đa quốc gia;
- Có hiểu biết về kinh tế, chính trị, xã hội và pháp luật phù hợp, có khả năng và mong muốn cam kết thực hiện có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội, học tập suốt đời để đóng góp hữu hiệu vào sự phát triển bền vững của xã hội và cộng đồng;
- Có năng lực tự học và phát triển không ngừng, khả năng thích nghi nhanh để phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật vật liệu và các lĩnh vực chuyên môn có liên quan.
3. Cơ hội học bổng và hỗ trợ học tập
- Trong thời gian học sinh viên có cơ hội được đi thực tập, tham quan ở các đơn vị nghiên cứu, sản xuất và sử dụng các loại vật liệu;
- Sinh viên có cơ hội nhận được các học bổng của các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu, học bổng của cựu sinh viên Khoa Vật liệu Xây dựng, học bổng khuyến khích học tập của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, …
Ngoài ra, người học còn có cơ hội tiếp cận các đơn vị tuyển dụng và trải nghiệm các hoạt động ngoại khóa thú vị.
4. Cơ hội việc làm
Với đà phát triển nhanh và mạnh mẽ của ngành công nghiệp vật liệu ở Việt Nam và trên thế giới, cơ hội việc làm của người học sau khi tốt nghiệp sẽ rất lớn.
Với mục tiêu và nội dung đào tạo vừa rộng vừa chuyên sâu, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật vật liệu có khả năng làm việc trong nhiều lĩnh vực:
- Các công ty sản xuất, gia công vật liệu, chế tạo vật tư và thiết bị dân dụng, thiết bị công nghiệp, trong các lĩnh vực: gốm sứ, thủy tinh, xi măng; polyme- composite, sơn, nhựa, hóa chất, phụ gia, khai thác chế biến khoáng sản, …
- Trong các công ty xuất nhập khẩu nguyên vật liệu;
- Các công ty, hãng sản xuất và kinh doanh vật liệu của nước ngoài có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam;
- Các cơ quan đào tạo và nghiên cứu khoa học như trường, viện về lãnh vực khoa học và kỹ thuật vật liệu;
- Các cơ quan quản lý và kiểm định chất lượng nguyên vật liệu như Hải quan, Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng, ...
5. Cơ hội học tập bậc Sau Đại học
Kỹ thuật vật liệu là một trong những ngành trọng điểm trên thế giới, cùng với các mối quan hệ của khoa Vật liệu Xây dựng và các giảng viên trong khoa với các trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới, sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội xin được các học bổng để tiếp tục học lên thạc sỹ và tiến sỹ ở các nước phát triển. Ngoài ra, sinh viên có thể tiếp tục học lên bậc thạc sỹ và tiến sỹ tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội và các trường đại học khác trong nước có đào tạo ngành Kỹ thuật vật liệu.
6. Liên hệ Khoa Vật liệu xây dựng
- Điện thoại:
0865 163 929
- Fanpage:
https://www.facebook.com/KhoaVLXD.HUCE
- Website:
https://vatlieu.huce.edu.vn/
- Văn phòng:
Phòng 314, 315 - Nhà A1 - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội